Vinanet - Giá quặng sắt tại Đại Liên có tuần tăng mạnh nhất trong 11 tuần. Giá quặng sắt giao ngay tăng lên 93 USD/tấn.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 329,59 điểm hôm 5/9/2019, giảm 0,09% tương đương 0,31 điểm so với chỉ số trước đó hôm 4/9/2019.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 327,48 điểm, tăng 0,13% tương đương 0,43 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 329,99 điểm, giảm 0,13% tương đương 0,44 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 6/9/2019 giảm, rời khỏi chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp, song có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 6/2019, được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy thép tăng mạnh.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 645 CNY (90,17 USD)/tấn, song tính chung cả tuần tăng 8,4%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 14/6/2019.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 3.416 CNY/tấn, song có tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 28/6/2019. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 3.431 CNY/tấn.
Công suất sử dụng tại các nhà máy thép Trung Quốc tăng lên 68,23% trong tuần tính đến ngày 5/9/2019 so với 67,96% trong tháng 8/2019, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc ở mức 93 USD/tấn.
Các nguyên liệu sản xuất thép khác diễn biến trái chiều, với giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 0,2% lên 1.331 CNY/tấn, trong khi giá than cốc giảm 0,2% xuống 1.928 CNY/tấn.
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm song chính phủ có đủ những công cụ chính sách vĩ mô và sẽ nhằm mục đích tăng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân.
Trung Quốc và Mỹ đồng ý sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tháng 10/2019 tại Washington.
Thép cuộn và tấm: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong tháng 7/2019 Mỹ nhập khẩu 96.000 tấn thép cuộn và tấm, tăng 22,9% so với tháng 6/2019, trong khi giảm 19,4% so với tháng 7/2018.
Trong số đó, nhập khẩu từ Canada chiếm phần lớn, đạt 64.000 tấn, tăng so với 44.000 tấn tháng 6/2019 và 57.000 tấn tháng 7/2018, từ Hà Lan đạt 8.200 tấn, từ Thụy Điển đạt 7.400 tấn, từ Đức đạt 4.000 tấn, từ Hàn Quốc đạt 3.900 tấn.
Nguồn: VITIC/Reuters